Lo ngại về công nghệ giám sát trong và sau đại dịch

2,1K
09/04/2020

Camera an ninh, dữ liệu vị trí trên smartphone... gây tranh cãi vì liên quan đến quyền riêng tư của người dân không chỉ trong mà cả sau đại dịch.

Hệ thống giám sát đã phổ biến ở một số nước từ vài năm qua, chứng minh hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ tội phạm dù còn vấp phải sự phản đối vì vi phạm quyền cá nhân. Trong thời kỳ Covid-19 bùng phát, chính phủ khắp thế giới mạnh tay hơn trong việc áp dụng biện pháp giám sát để đảm bảo người dân tuân thủ lệnh cách ly. Các giải pháp nổi bật là đeo vòng tay định vị, cài ứng dụng smartphone và drone nhắc nhở những người tự ý ra khỏi nhà.

Drone gắn camera an ninh và mã QR Code chứa đường dẫn tới trang web khai báo y tế ở Thẩm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Ở Nga và Trung Quốc, trạm kiểm dịch với camera tầm nhiệt hỗ trợ bởi AI giúp phát hiện nhanh chóng người có thân nhiệt cao bất thường, xác định danh tính bằng thuật toán nhận diện khuôn mặt và thông báo cho cảnh sát. Tại Hàn Quốc, chính phủ sử dụng dữ liệu của camera an ninh định vị người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19.

Ngoài ra, camera an ninh cũng đóng vai trò quan trọng, cung cấp thông tin quý giá để hạn chế nguy cơ hình thành ổ dịch mới. Ví dụ, camera đặt trong một khu vực cụ thể sẽ theo dõi lịch sử di chuyển của người dân và đồng bộ lên đám mây. Tất cả dữ liệu được hệ thống AI phân tích để tìm kiếm nguồn lây bệnh

Thực tế, một số người vẫn đánh giá thấp mối đe dọa của Covid-19, liều lĩnh ra khỏi nhà và tụ tập nơi công cộng. Tuy nhiên, suy nghĩ này đó có thể thay đổi nếu họ biết họ đang bị dõi qua công nghệ giám sát. Không ai muốn bị kiểm soát khi bước ra khỏi nhà, nhưng trong đại dịch, chính phủ các nước cần biện pháp thực sự quyết liệt và hiệu quả để kiềm chế sự lây lan.

Các hệ thống giám sát hỗ trợ bởi AI có thể xác định danh tính từng người trong đám đông. Ảnh: AP.

Công nghệ giám sát sau đại dịch

Công nghệ giám sát được coi là công cụ đắc lực trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng giới chuyên môn lo ngại liệu chúng có bị lạm dụng khi đại dịch đi qua.

Theo Mashable, có hai luồng ý kiến về vấn đề này. Một số tin các hệ thống camera an ninh hỗ trợ bởi AI giúp cơ quan chức năng dễ truy tìm tội phạm và ngăn chặn hành động phạm pháp, trong khi số khác muốn loại bỏ vì xâm phạm quyền riêng tư.

Giải pháp loại bỏ toàn bộ hệ thống giám sát sẵn có được cho là không khả thi vì chi phí đầu tư quá tốn kém. Nếu lựa chọn duy trì chúng sau đại dịch, chính phủ và các tổ chức liên quan cần công khai với người dân trong quá trình thu thập dữ liệu và đảm bảo không xảy ra rò rỉ thông tin cá nhân.

Việt Anh (theo Mashable)

Yêu thích 0
Bình luận 0

Bài viết liên quan