Hai điều còn thiếu trong 'giấc mộng' 4.0 của Việt Nam

2,0K
03/11/2018

Nói về Cách mạng 4.0, nhiều động viên về công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam đang được đưa ra, nhưng về vĩ mô lại thiếu hai điều cơ bản.

Với khách du lịch, Paris có thể là một điểm đến quyến rũ bởi vẻ cổ kính và sang trọng. Nhưng với cư dân tại đây, thành phố trẻ trung và hiện đại không thua kém bất cứ nơi nào.

Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp (Startup Campus) lớn nhất thế giới nằm ở Paris. Thành phố đang có những dự án khá sáng tạo như: School 42 (mô hình học tập ngang hàng miễn phí 24/7); Open Collective (hình thức tài trợ tài chính mới); Open Street Map (bản đồ có thể chỉnh sửa miễn phí) hay My Voice (nhận trực tiếp ý kiến người dân về chính sách)...

Một góc trong vườn ươm khởi nghiệp lớn nhất thế giới ở Paris. Ảnh: Station F

 

 

 

 

 

 

 

 

“Từ một hệ thống kinh tế tập trung, đầu tư vào các tập đoàn công nghiệp và dịch vụ liên quốc gia, chính phủ Pháp và các đô thị lớn như Paris, Lyon, Lille đã mạnh dạn thí điểm triển khai các sáng kiến và dự án về luật, đầu tư, công nghệ, quản lý đổi mới sáng tạo, hướng đến việc đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành động lực phát triển của nền kinh tế Pháp trong quá trình phát triển kinh tế số”, ông Vũ Ngọc Anh - Sáng lập viên của Diễn đàn Kinh tế số Việt Nam nói.

Nguồn cảm hứng về Paris được ông Ngọc Anh chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế số Việt Nam (VDE Forum) vừa qua. Nhiều chuyên gia cho rằng, với hiệu suất kinh tế vượt trội, các mô hình kinh tế mới đang tạo ra những biến đổi căn bản trong nhiều ngành công nghiệp, từ thông tin truyền thông, giải trí, giáo dục đào tạo đến giao thông vận tải, khách sạn, phân phối, bán buôn và bán lẻ... Việc cần thiết của Việt Nam là xây dựng được nền kinh tế số bài bản, để thực sự tiến lên thời 4.0 chứ không phải là khẩu hiệu.

Ngổn ngang dữ liệu

"Muốn xây dựng chính phủ số và kinh tế số thì cần phải có hạ tầng số. Chúng ta có mạng 4G rồi sắp lên 5G nhưng quan trọng là dữ liệu. Dữ liệu của chúng ta phân tán, chưa chia sẻ và kết nối được", Giáo sư Hồ Tú Bảo - Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản nhận xét. 

Trong nền kinh tế số, dữ liệu là tài nguyên. Từ dữ liệu, các mô hình số hóa tạo ra những dịch vụ cá nhân hóa tối ưu và tận dụng hiệu quả nguồn lực xã hội nhàn rỗi. "Phải có mục tiêu và lộ trình về khoa học dữ liệu. Hiểu nó trước đã rồi tính chuyện dài hơn", Giáo sư Bảo nói.

Nền tảng của kinh tế số hình thành khi dữ liệu của đất nước được liên thông và mở ra nhất định để cộng đồng sử dụng. Đó là điều Việt Nam chưa có. Ông Vũ Ngọc Anh cho biết, một trong bốn nguyên tắc tiếp cận kinh tế số của Paris là có dữ liệu mở như tài sản chung của xã hội. Doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ quan quản lý có thể tận dụng nó để phát triển, chuyển đổi.

Camera giao thông tại ngã ba Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Phương Sơn

 

 

 

 

 

 

 

Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ Thông tin và Truyền thông) kể 3 lý do mà nguồn dữ liệu mở ở Việt Nam chưa phát triển. 

"Thứ nhất, nhiều cơ quan có dữ liệu mà không dám mở vì họ sợ vướng quy định pháp lý ở đâu đấy. Thứ hai, mở dữ liệu ra thì nguồn kinh phí ai chịu? Ví dụ dữ liệu ngành giao thông đổ về hàng ngày rất lớn. Mở ra cho doanh nghiệp khai thác cũng tốt nhưng đòi hỏi đầu tư hạ tầng chịu tải thì kinh phí từ đâu? Ai sẽ chịu? Ngoài ra là tâm lý ngần ngại", ông Phúc lý giải.

Do vậy, Giáo sư Hồ Tú Bảo cho rằng, vấn đề cấp bách nhất ở Việt Nam là tạo ra cơ sở dữ liệu quốc gia và có phần dữ liệu mở. Để làm được thì cần có luật để quy định dữ liệu nào được chia sẻ, chia sẻ đến đâu và cho ai.

Thiếu - thừa nhân lực

Đại học Oxford và McKinsey dự báo 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa trong 15 năm tới. Tỷ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam, vì giá trị gia tăng của lực lượng lao động thấp so với mức trung bình thế giới. Do đó, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số trở nên cấp bách.

Trong khi một lượng lao động sẽ thừa ra thì nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) lại khan hiếm. Thế giới đang có khoảng 300.000 chuyên gia AI nhưng nhu cầu thì đến hàng triệu. "Cửa nào" để Việt Nam giành người?

Một doanh nghiệp lớn quy mô khoảng 2.000 nhân viên tại TP HCM từng muốn thuê chuyên gia AI từ Silicon Valley về làm việc. Thế nhưng, yêu cầu lương quá cao trong khi hiệu quả đo lường của chuyển đổi số ít nhiều còn mông lung, khiến doanh nghiệp này chùn chân.

Sinh viên một trường đại học tại TP HCM giờ tan học. Ảnh: Mạnh Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

Giáo sư Bảo cho rằng Việt Nam đang cần nhân lực diện rộng lẫn tinh hoa cho quá trình chuyển đổi số. Diện rộng thì cần sự nâng chất, cập nhật của các đại học. Tinh hoa thì không cần nhiều. "Muốn thuê nước ngoài thì nhân lực đối ứng trong nước phải chuẩn bị tốt thì mới hiệu quả", ông nói.

Nhân lực cũng là một trong các khuyến nghị của ông Ryan Jacildo -  Chuyên gia phụ trách nghiên cứu mảng Kinh tế số cho khu vực Đông Nam Á của OECD.

“Một số thay đổi quan trọng về chính sách đào tạo nhân lực, hệ thống thanh toán và ký thác cũng như các chính sách bảo vệ thông tin và người tiêu dùng sẽ trở nên cần thiết để Việt Nam phát huy hiệu quả quá trình chuyển đổi số, tiếp tục duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao và ổn định như trong thời gian vừa qua”, ông Ryan Jacildo nêu.

Theo kế hoạch của Hàn Quốc, đến 2020 sẽ đào tạo được 5.000 chuyên gia AI. Còn ở Việt Nam, Đại học Quốc Gia TP HCM vừa thành lập một AI Club, quy tụ khoảng 50 chuyên gia đang làm việc trong các trường thành viên. Hiện ngành phân tích dữ liệu đã bắt đầu được mở ở một số trường đại học lớn với quy mô tuyển sinh mỗi trường vài chục sinh viên mỗi năm.

“AI sẽ thay đổi sâu sắc đến cách xã hội vận hành cũng như vận mệnh của các doanh nghiệp. Do đó, cần có chiến lược phát triển tổng thể và đồng nhất giữa các cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức nghiên cứu, các quỹ đầu tư công nghệ cũng như các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ ứng dụng dữ liệu và công nghệ AI”, ông Ludovic Bodin - Đại sứ đầu tư quốc tế France AI nhấn mạnh.

Ngoài hai điểm cơ bản về dữ liệu và nhân lực, các chuyên gia cho rằng, các mô hình số hóa thay đổi cơ bản với mô hình kinh doanh truyền thống. Trước viễn cảnh tác động của chúng lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, việc giải quyết các bài toán này bằng các công cụ hành chính, chính sách cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài.

"Việt Nam cần phải sớm xây dựng và triển khai Đề án phát triển kinh tế số quốc gia và các Chiến lược chuyển đổi số đối với các ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng khác trong nền kinh tế quốc dân, đồng thời cần có chính sách nâng cấp các ngành sản xuất thông qua ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin và tự động hóa, trọng tâm là trong các ngành công nghiệp chế tạo", ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung Ương nhận định.

Viễn Thông

Yêu thích 0
Bình luận 0

Bài viết liên quan